Thôn Long Thạnh 2, phía bắc xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) có hai xóm liền kề là Gò Cát và Gò Cỏ. Xóm nào cũng là “viên ngọc quý” của Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Gò Cát trườn lên đồi cao hứng gió chạy cát bay, ôm ấp khu mộ chum có niên đại 2.500 – 3.000 năm, nơi có Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng. Cách Gò Cát một đỗi đường là Gò Cỏ, diện tích chừng hơn 100 ha. Gò Cỏ bình lặng, nhịp sống êm ả, đêm rỉ rả tiếng côn trùng, ngày trôi chầm chậm. Người đi biển hay làm vườn đều thư thả, không chút vội vàng. Làng không hề biết mình đang cất giữ nhiều nét văn hóa đa tầng của người Việt cổ. Cho đến một ngày…
Du lịch “hôm – xách – tay”
Gặp Gò Cỏ trong một chuyến khảo sát, tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu của UNESCO, đã đánh giá: Gò Cỏ là báu vật của tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa – địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh. Chính ông đã “chấp bút” thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ và phát huy các giá trị di sản Gò Cỏ.
Lời kêu gọi đã được Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) hưởng ứng. Tổ chức này đã tài trợ 10.000 USD cho dự án quản lý rác thải để “sạch làng đẹp xóm”. Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho biết làng đã đón nhiều sinh viên ngành du lịch – môi trường của các trường đại học ở Đà Nẵng, TP.HCM, đặc biệt là nhóm sinh viên đến từ Nhật Bản, Mỹ. Họ đến để chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch và nghe làng Gò Cỏ kể chuyện muôn xưa. Và khi đi, mỗi người trong số họ đều mang theo những nét độc đáo của làng ra với cộng đồng.
Đường đá dẫn ra biển Gò Cỏ
Không tàu to máy lớn, ngư dân Gò Cỏ sống bình lặng với những chiếc thuyền nhỏ đánh cá gần bờ. Tre làng tươi tốt quanh năm cho người làng nghề đan lát. Tre thành nan đan thuyền, đan thúng, đan nong nia, rổ rá… Tre thong dong nhàn rỗi “tám” với gió rì rào, tre “thả thính” mời gọi khách đường xa. Gò Cỏ có khoảng 80 nóc nhà. Nhà nào cũng cấp 4 thôi, nhỏ xinh, gọn gàng, sạch đẹp. Nơi đây không có nhà lầu nhưng người ta vẫn ngước lên, chỉ là để ngắm những giàn hoa giấy đung đưa, những buồng dừa trĩu trái, những bóng tre già lả ngọn. Đường bê tông chỉ rộng hơn một mét, quanh co, ngoằn ngoèo, bất ngờ lên, đột ngột xuống rồi thình lình làm người đi dạo chững lại vì một gộp đá chắn gần hết lối đi.
Nếu cảnh quan Gò Cỏ nguyên sơ, mộc mạc “đốn tim” du khách thì người Gò Cỏ cũng khiến du khách “phải lòng” bằng tính cách thuần hậu, thật thà của mình. “Ông Đoàn Sung cầm tay chỉ việc cho chúng tôi làm du lịch… hôm xách tay đó” (dân làng phát âm từ homestay một cách bình dân cho dễ nhớ là “hôm xách tay”). Ông Phạm Tịnh (63 tuổi) cho biết làng đã có 10 hộ bắt đầu đón khách, cả Tây lẫn ta. Khách rất thích thú khi được cùng ăn ở với dân Gò Cỏ hiền lành, được dạy cách làm bún, đan lát, vá lưới, chèo thuyền, trồng đậu, trồng khoai…
Mái tranh dựng từ năm 1975 trên gộp đá cao là nhà bà Bùi Thị Vân (63 tuổi). Đây là “trụ sở” câu lạc bộ diễn xướng dân gian. Nông dân, ngư dân, sau những giờ lao động bỗng trở thành… nghệ sĩ làng với giọng hát mộc mạc nhưng thiết tha, truyền cảm. Các làn điệu bài chòi, hát đố, hát hố, hát đối, hát sắc bùa của dân làng hay đến mức khiến du khách ngẩn người. Những cây đàn bầu, đàn ghi ta lâu năm bị “sứt mẻ” được bà Vân “độ chế” lại, vẫn cứ réo rắt và nhìn thật dễ thương. Một nữ sinh viên ghi vội vào sổ tay: “Câu bài chòi vướng bụi tre/ Chơi trăng qua đó bậu nghe cho đỡ buồn”.
Một góc biển Gò Cỏ
Thấy làng… lấp lánh, họ sẽ quay về
Cơn lốc đô thị hóa khiến hàng nghìn ngôi làng đang mất dần cái chất thuần quê. Nhưng Gò Cỏ chẳng đua đòi, xưa giờ có sao chịu vậy. Làng không karaoke, không loa kẹo kéo xập xình, không tiệm cơm, tiệm nét, quán nhậu, không cả dịch vụ tiệc cưới, sinh nhật, spa. Nhà nghỉ, khách sạn cũng không luôn. Những cái “không” ấy khiến Gò Cỏ như cô gái quê luôn e ấp, dịu dàng. Mở cửa rước phố vào làng là rước cái diêm dúa, ồn ào. Gò Cỏ sẽ hỏng ngay. Hãy giữ Gò Cỏ trong veo, nhuần nhị, phảng phất cái duyên thầm như cô Tư vừa hát: Ai phơi cái dải yếm đào/Để cái bờ rào cũng muốn tương tư.
Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ thống nhất phương án “giữ nguyên hiện trạng” những cái đang… không có ấy để làm nên những cái “có” hữu ích. Ngoài câu lạc bộ diễn xướng dân gian làm mê hoặc du khách, giờ làng du lịch cổ Gò Cỏ đang có thêm đội thuyền thúng tuyển chọn từ những ngư dân giàu kinh nghiệm sông nước. Cuối năm 2019, đội này đã đưa những du khách Tây bồng bềnh trên sóng nước, ngắm những gành đá hoang sơ, những đoạn bờ biển thơ mộng. Bên cạnh đó, đội đan lát truyền thống đang hình thành sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch làm từ tre, nứa. Một gian hàng bán đồ lưu niệm đặc trưng Gò Cỏ sẽ xuất hiện trong tương lai không xa. Về ẩm thực, ông Huỳnh Bộ, chủ một cơ sở homestay, cho biết vùng biển Gò Cỏ trong lành nên nhum, hàu, rạm, cua, tôm, cá mực ngon không đâu bằng. Ở Gò Cỏ làm gì, chơi gì, ăn gì? Câu trả lời đã có. “Tôi sẽ trở lại”, một du khách nói.
Sinh viên nước ngoài dạo chơi ở làng Gò Cỏ
Người Gò Cỏ ai cũng ý thức rằng làng mình đang làm du lịch. Bà Bùi Thị Vân nói chắc nịch: “Làng hiện nay đa số là người già. Nhưng tôi tin lớp trẻ Gò Cỏ đang làm ăn xa sẽ trở về khi biết làng mình làm du lịch”. Cùng suy nghĩ đó, ông Đoàn Sung cũng cho rằng người Gò Cỏ không biết làng họ có cái gì nên họ ra đi. Nhưng khi thấy làng… lấp lánh thì họ sẽ quay về.
Văn hóa đá và kiến trúc đá
Làng cổ Gò Cỏ nhìn đâu cũng thấy đá. Người Sa Huỳnh cổ dùng đá dựng tường rào ngăn thú dữ, bảo vệ vườn tược, làm mương thủy lợi, làm bờ kè giữ đất. Công trình nào cũng vừa vững chãi vừa thẩm mỹ. “Thập loại chúng sinh” đá với đá lớn, đá nhỏ, đá vuông, đá tròn… khi đặt bên nhau đều kín kẽ, trùng khít, bằng phẳng một cách đáng kinh ngạc. Đường đá dẫn về phía biển. Đường đá dẫn đến đền thờ, dinh xưa, miếu cổ rêu phong. Đường đá tìm mọi cách nối nhà nhau thành xóm thành làng. Nhiều du khách đã lặng người khi đứng trước những giếng cổ bằng đá có tuổi đời cả mấy trăm năm. Đây là những giếng khơi, phần nhiều không còn nước nhưng vẫn được người Gò Cỏ gìn giữ như những sản vật linh thiêng.
Giếng cổ
Đến với làng du lịch cổ Gò Cỏ, tham quan những công trình đá lâu đời còn lưu lại, người ta có thể cảm nhận nếp gấp của trùng điệp thời gian, cảm nhận cả một hành trình văn hóa đá, kiến trúc đá bền bỉ, nhẫn nại, kiên gan, cứng cỏi để trường tồn.
—–Thanhnien.vn—-