Tổ chức tiệc tất niên là một trong những buổi tiệc quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Đây là buổi tiệc mang lại nhiều giá trị về mặt tinh thần rất lớn dành cho tập thể công ty. Không đơn thuần là để tổng kết, tiệc tất niên còn là dịp để toàn thể doanh nghiệp cùng tận hưởng những giây phút giao mùa trước thềm năm mới. Chính vì thế, buổi tiệc cuối năm không thể tổ chức sơ sài, kém hiệu quả. Vietachau xin cung cấp mẫu kế hoạch tổ chức tiệc tất niên cuối năm chi tiết từ A – Z để mang lại cho doanh nghiệp một buổi tiệc tất niên thật hoành tráng và chu toàn nhất!
Lên ý tưởng tổ chức tiệc tất niên cuối năm
Để có được buổi tiệc tất niên thành công hiệu quả, doanh nghiệp cần có được ý tưởng thật hoàn hảo và tổ chức điều hành chương trình theo sát chủ đề đó. Chủ đề tiệc tất niên cũng cần được thay đổi mỗi năm để tạo được sự mới mẻ, tránh gây nhàm chán. Nhưng hãy đảm bảo rằng ý tưởng chủ đề vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của doanh nghiệp.
Hoạch định danh sách khách mời, gửi thư mời
Số lượng khách mời sẽ nói lên được quy mô của buổi tiệc, ảnh hưởng trực tiếp đến địa điểm, không gian tổ chức, bàn tiệc cũng như chủ đề mong muốn… Bởi thế, doanh nghiệp phải có được số lượng và danh sách khách tham dự cụ thể để thực hiện được các kế hoạch khác.
Việc lên danh sách khách mời cũng cần được chia ra theo từng phân khúc, đối tượng khách mời. Để có thể sắp xếp vị trí, khu vực bàn tiệc. Điều này cũng dễ dàng cho việc thiết kế thư mời tiệc tất niên và gửi thư mời. Thư mời nên được gửi từ sớm, cách ngày tổ chức ít nhất 1 tuần để khách mời có thể sắp xếp tham dự.
Lựa chọn không gian tổ chức tiệc cuối năm
Không gian tổ chức tiệc cuối năm bao gồm không gian như tiệc trong nhà và tiệc ngoài trời. Đối với không gian trong nhà, doanh nghiệp có thể lựa chọn các nhà hàng, sảnh khách sạn, trung tâm hội nghị… Tiệc ngoài trời có thể kể đến sân vận động, khu du lịch sinh thái, bãi biển, sân bóng, sân thượng… Doanh nghiệp cần xác định rõ chủ đề và ý tưởng cũng như ngân sách để có được địa điểm thật phù hợp nhất.
Khi lựa chọn không gian, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến nhiều yếu tố về thời tiết, sự an toàn, bãi đổ xe cũng như phong cách phục vụ các món ăn có đúng ý với dự định của doanh nghiệp hay không.
Lên các tiết mục, hoạt động cho chương trình
Các tiết mục và hoạt động cần thiết trong chương trình đều cần được liệt kê và lên tiền kỳ thật kỹ lưỡng ngay từ bước lên kế hoạch. Điều này sẽ giúp cho mọi khâu trong công việc lên kịch bản, timeline thật chi tiết và hiệu quả hơn. Bao gồm các tiết mục về văn nghệ, trò chơi, khen thưởng, phát biểu, tiệc tùng… Doanh nghiệp cần chú ý đến trình tự các tiết mục để sắp xếp sao cho thật hợp lý, tạo được sự bất ngờ, tránh gây sự chán nản cho khách tham dự.
Xác định được ngân sách tổ chức tiệc tất niên
Một số doanh nghiệp sẽ có con số cụ thể cho ngân sách tổ chức tất niên, và từ đó đưa ra các hạng mục phù hợp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường lên ý tưởng và khung sườn sơ bộ cho chương trình trước, từ đó có được ngân sách cụ thể. Điều này tùy vào mục đích và cách thức tổ chức của mỗi doanh nghiệp.
Thế nhưng, ngân sách của tiệc tất niên đều phải bao phủ nhiều yếu tố như: Chi phí địa điểm, sân khấu, bàn tiệc, khâu trang trí, phần thưởng, nhân sự tổ chức, quay phim chụp ảnh, quà lưu niệm… Cần có sự liệt kê chi tiết để có được một ngân sách hoàn hảo và tiết kiệm nhất.
Lên kịch bản tổ chức tiệc tất niên cuối năm
Kịch bản tiệc tất niên cuối năm bao gồm 2 loại kịch bản là: Kịch bản tổng quát và kịch bản chi tiết.
Kịch bản tổng quát là để bao quát hết toàn bộ các công việc chung của buổi tiệc. Kịch bản này dùng cho phía nhân sự của công ty để họ tiện quản lý lịch trình chung; hoặc các bên cung cấp âm thanh ánh sáng, màn hình máy chiếu nắm bắt nội dung và điều khiển thiết bị cho phù hợp.
Bên cạnh đó kịch bản tiệc tất niên cuối năm cần có kịch bản chi tiết, còn gọi là kịch bản MC tiệc tất niên. Trong đó có kèm lời dẫn MC và phần phân công công việc cho đội ngũ tổ chức sự kiện.
Kịch bản tiệc tất niên tổng quát
Một kịch bản tổng quát thường được chia ra thành các hạng mục như sau, được xếp theo hàng ngang:
- Số thứ tự: Tuy không ảnh hưởng nhiều đến nội dung kịch bản nhưng số thứ tự đóng vai trò rất quan trọng. Giúp người xem biết được rằng có bao nhiêu tiết mục, tiết mục đang trình diễn là thứ mấy… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và theo dõi được trình tự chương trình.
- Thời gian, thời lượng: Từ mấy giờ đến mấy giờ, mỗi tiết mục kéo dài bao nhiêu lâu.
- Tên tiết mục: Đây là bước phân loại từng tiết mục, để dễ dàng hơn cho việc chạy chương trình. Tránh sự nhầm lẫn các tiết mục với nhau. Ví dụ như: Tiết mục mở màn, tiết mục ca múa hát, tiết mục nhảy… Và lần lượt thêm số 1, 2, 3 để phân biệt các tiết mục cùng loại.
- Nội dung: Phần nội dung là phần lời nói MC còn được gọi là “MC script”. Trong phần này sẽ liệt kê ra những ý chính mà MC sẽ phải trình bày.
- Người thể hiện: Tên người thể hiện sẽ giúp MC biết được ai sẽ đảm nhiệm tiết mục này. Để có thể giới thiệu và mời đúng người đó.
- Thời lượng: Việc phân bổ thời lượng sẽ kiểm soát và tiết kiệm được thời gian sự kiện.
- Ghi chú: Ở phần này thông thường sẽ là những ghi chú chuẩn bị đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật hoặc nhân sự cho các tiết mục.
Kịch bản MC tiệc tất niên cuối năm
Phần mở đầu
Tiệc tất niên cuối năm thường có sự góp mặt của nhiều ban lãnh đạo, khách quý. Vì thế phần mở đầu có có sự trịnh trọng, giới thiệu được thông điệp và ý nghĩa của buổi lễ. Lời giới thiệu cũng cần rõ ràng và rành mạch, thu hút được sự chú ý. Trước hết cần có sự điều phối và ổn định được mọi người tập trung vào sự kiện.
“BTC xin trân trọng kính mời quý vị quan khách và toàn thể các thành viên ổn định khu vực tiền sảnh hãy nhanh chóng di chuyển vào khán phòng và ổn định chỗ ngồi để chương trình của chúng ta sẽ bắt đầu trong ít phút nữa…”
“Xin được chân thành cảm ơn tiết mục múa mở màn. Và tiết mục vừa rồi cũng là lời chào trân trọng nhất mà chúng tôi muốn gửi đến quý vị, chào mừng quý vị quan khách đã đến với buổi Year End Party của công ty ………. Lời nói đầu tiên cho phép MC ………. được thay mặt cho ban lãnh đạo cùng tất cả các anh chị cán bộ công nhân viên của công ty ………. và những người thực hiện chương trình. Xin gửi tới toàn thể quý vị, lời kính chúc sức khỏe; lời chào mừng nồng nhiệt nhất và thân thương nhất.”
Phần nội dung trong kịch bản MC tiệc tất niên
Trong phần nội dung kịch bản MC tiệc tất niên thì không thể thiếu phần giới thiệu bài phát biểu của ban lãnh đạo; và tổng kết lại thành tích đã đạt được trong năm vừa qua. Nên làm kỹ lưỡng nội dung này để tránh trường hợp MC đọc sai, thiếu tên.
“Kính thưa quý vị, vậy là một năm đã đã trôi qua, một năm với biết bao nhiêu bộn bề lo toan, giờ đây xin được khép lại để chúng ta có những giờ phút ngồi thảnh thơi bên nhau, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm trong suốt 365 ngày vừa qua. Những gì đã được, những gì chưa được và những gì cần phải cố gắng thêm. Ngoài ra, đây cũng là dịp thuận tiện để lãnh đạo và nhân viên ………. cùng nhau để giao lưu, chia sẻ, gắn kết hơn và cùng hướng đến một năm mới, năm 2020 đại thành công, đại phát triển, phúc lộc an khang, vạn sự như ý.”
Sau phần giới thiệu nội dung chính, tiếp đến là phần giới thiệu thành phần tham dự:
“Và trong hôm nay chúng ta vinh dự chào đón rất nhiều vị khách quý. Đầu tiên, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu ……….”
“Xin cảm ơn ông… Và giờ đây xin mời quý vị cùng với chúng tôi rót thật đầy và nâng ly thật cao để chúc mừng cho sự phát triển của ………. trong suốt một năm vừa qua và cũng để bữa tiệc tất niên được chính thức bắt đầu.”
Phần khai tiệc tất niên
Sau khi kết thúc các nghi thức và nội dung quan trọng của chương trình; thì sẽ chuyển sang khai tiệc để mọi người tham dự có thể chia sẻ, giao lưu với nhau.Phần khai tiệc thông thường sẽ gồm các mục như: tiệc chiêu đãi, tiết mục văn nghệ, gameshow, tri ân…
“Và xin mời tất cả quý quan khách có mặt trong sảnh tiệc chúng ta hãy cùng nâng ly khai tiệc. Khi ………. đếm đến 3, thì chúng ta cùng hô vang (tên công ty) nhé quý vị. Nào quý vị ơi ly đâu ly đâu, 1, 2, 3………. Và giờ đây xin mời quý vị cùng bắt đầu dùng tiệc thân mật với ……… , với sự phục vụ tận tình và chu đáo của nhân viên nhà hàng ………”
Trong lúc khách mời đang dùng tiệc, MC có thể làm náo động không khí với một số tiết mục văn nghệ.
“Và giờ đây xin quý vị hãy dành một tràng pháo tay thật lớn để chào đón ………. sẽ mang đến cho quý vị tiết mục văn nghệ xuất sắc. Xin mời ……….”
Sau tiết mục văn nghệ khai tiệc có thể là chương trình bốc thăm trúng thưởng, trao giải cá nhân xuất sắc, các trò chơi gameshow vui nhộn…
“BTC xin được thông báo, bên cạnh việc thưởng thức ẩm thực, chương trình của chúng ta sẽ có các tiết mục rất hấp dẫn về sau. Đặc biệt, BTC sẽ dành tặng quý vị rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó có các giải thưởng là ……….”
Phần kết thúc của kịch bản MC tiệc tất niên
Để buổi lễ kết thúc ấn tượng trong lòng khạc mời, MC cần chốt lại đưa ra các thông điệp mà công ty muốn gửi gắm đến mọi người. Và những kế hoạch sắp tới sẽ triển khai để định hướng cho tập thể nhân viên. MC sẽ thay mặt cho công ty và ban tổ chức kết thúc chương trình. Việc tạo ra một cái kết tốt đẹp, ý nghĩa sẽ đem đến sự thành công hoàn hảo cho cả một chương trình.
“Lễ trao giải vừa rồi cũng đã khép lại chương trình Year End Party, tiệc tất niên cuối năm của công ty ………. Thay mặt BTC xin chân thành cảm ơn quý vị quan khách, quý Khách hàng đã dành chút thời gian quý báu để đến tham gia cùng chúng tôi. Trước thềm năm mới xin kính chúc quý vị luôn luôn dồi dào sức khỏe, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Xin chào và hẹn gặp lại.”
Trên đây là kế hoạch tổ chức buổi tiệc cuối năm chi tiết cho doanh nghiệp. Để buổi tiệc diễn ra thành công hiệu quả, hãy liên hệ ngay đến Vietachau, chúng tôi hứa hẹn và cam kết mang lại cho doanh nghiệp một buổi tiệc thật hoàn hảo và chu toàn nhất, cùng với giá cả phải chăng và chất lượng dịch vụ hàng đầu. Vào dịp cuối năm, Vietachau có rất nhiều ưu đãi hấp dẫn cho dịch vụ tổ chức tiệc tất niên trọn gói.
Nguồn ST