Là một trong 190 quốc gia tham gia Công ước Di sản thế giới, tính đến cuối năm 2014, Việt Nam có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. So với các tiêu chí do Công ước Di sản thế giới đặt ra, ngành văn hóa Quảng Ngãi nghĩ đến việc đệ trình Lý Sơn là di sản thế giới.
Giếng Xó La (An Vĩnh) – nơi tìm thấy nhiều di chỉ của nền văn hóa Chămpa. |
Bảo tàng sống động về di sản văn hóa
Có thể nói, Lý Sơn có một hệ thống di sản vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo. Năm 2006, các nhà khảo cổ đã phát hiện trong lòng núi lửa Giếng Tiền (xã An Vĩnh) những công cụ sinh hoạt và sản xuất của người tiền sử thời đồ đá cũ. Tại xóm Ốc (An Vĩnh) và Suối Chình (An Hải), các nhà khảo cổ cũng phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh với những hiện vật nằm sâu trong lòng đất cách đây 2.500-2.000 năm với những mộ nồi, mộ đất, bát đồng, rìu đồng… Nền văn hóa Chămpa còn hiện hữu ở di tích miếu Con Bò, thờ Bò thần Nazin, giếng Xó La (giếng Vua), ở di tích chùa Hang với các bệ đá mà người Chăm cổ thường dùng dâng lễ vật tế các vị thần Bà La Môn… Lý Sơn còn có những di tích tàu đắm ở đảo Lớn, đảo Bé, mà ở đó, còn chứa đựng những giá trị văn hóa, mang dấu vết con đường giao thương tơ lụa và gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau.
Không chỉ thế, Lý Sơn còn là vùng đất gắn liền với nền văn hóa Việt, với gần 30 di tích cổ xưa, trải dài 400 năm tính từ khi 15 ông tiền hiền từ vùng cửa biển Sa Kỳ ra lập nghiệp. Các đình làng An Vĩnh, Âm linh tự, đình làng An Hải, lăng Tân, lăng Cồn Tự (là những lăng thờ cá Ông còn lưu giữ những bộ xương cá voi khổng lồ có độ dài hơn 25m)… là những di tích tiêu biểu.
Bên cạnh đó, Lý Sơn còn có nhiều di tích gắn liền với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài đình làng An Vĩnh, An Hải-nơi các binh phu tế tự trước khi đi Hoàng Sa, Bắc Hải, Âm linh tự (An Vĩnh), Nghĩa tự (An Hải), Lý Sơn còn có nhà thờ các tộc họ từng là cai đội, chánh đội trưởng, chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa như: Nhà thờ họ Võ Văn-thờ Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), nhà thờ họ Phạm Quang thờ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh (1815), thủy quân Phạm Văn Thanh (1834)… cùng hàng trăm ngôi mộ chiêu hồn (mộ gió) vốn được các dòng họ nặn hình nhân bằng đất sét, xương cốt là hom dâu, máu huyết là chỉ ngũ sắc, rồi được chôn xuống lòng đất cùng với lời khấn mời thống thiết để các hùng binh không may ngã xuống trong lòng biển cả mênh mông về nhập hồn vào huyệt mộ.
Vẻ đẹp tự nhiên hiếm có
Đến Lý Sơn nhiều du khách vẫn ấn tượng với những miệng núi lửa khổng lồ, hùng vĩ. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, những đợt phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm đã để lại cho đảo Lý Sơn 5 ngọn núi lửa đặc sắc. Trong đó, Giếng Tiền và Thới Lới còn hiện diện 2 lòng chảo khổng lồ. Đến Giếng Tiền, du khách được chiêm ngưỡng một “kiệt tác” do thiên nhiên ban tặng với hình thù giống như con rùa đang nghếch đầu về hướng đông bắc, cái mai rùa lõm xuống. Phần lõm còn một thảm thực vật đặc trưng, tựa như thảm thực vật tại lòng núi lửa ở tỉnh Jeju (Hàn Quốc)-một di sản thế giới với 6 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan mỗi năm.
Lý Sơn- nhìn từ trên cao. (Bộ ảnh “Lý Sơn quyến rũ” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Vinh Hiển (Vĩnh Long)). |
Lý Sơn còn có hệ thống hang động, cầu đá được tạo thành bởi dung nham núi lửa kỳ vĩ. Dưới chân núi Thới Lới về phía đông bắc là Hang Câu với vách dung nham cao hàng trăm mét bên bờ cát trắng và nhịp sóng vỗ bờ với chiều dài chừng 500m. Không xa Hang Câu là di tích chùa Hang-di tích quốc gia, một hang động rộng lớn, thâm trầm và nhuốm màu huyền thoại. Phía bắc làng An Vĩnh, còn có cổng Tò Vò như chiếc cầu đá vươn ra phía biển. Bên kia đảo Bé là hang Kẻ Cướp được phủ bằng những dải dung nham ngoằn ngoèo cao hàng chục mét, mà phía trước mặt hang là bãi tắm trong xanh, lý tưởng. Nằm sâu dưới lòng nước đảo Bé phát hiện một cổng đá tương tự cổng Tò Vò.
Đến với Lý Sơn, du khách còn được chiêm ngưỡng một khu bảo tồn biển đa dạng hệ sinh thái, các loài thủy sinh phong phú. “Dọc quanh bờ biển có các rạn san hô và cỏ biển đặc trưng, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô xanh, san hô đen vẫn còn sinh sôi trong biển. Những khảo sát mới đây đã cho biết trong vùng biển Lý Sơn vẫn còn hàng nghìn loài động vật, thực vật, bao gồm hàng trăm loài rong biển, hàng trăm loài san hô, cỏ biển và hàng trăm loài cá rạn… Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ trăn trở: “Lý Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di chỉ khảo cổ, nhiều di tích kiến trúc, tín ngưỡng. Ngành văn hóa cũng đã nghĩ đến việc đệ trình Lý Sơn là di sản thế giới. Nếu hội đủ một vài tiêu chí để đệ trình lên UNESCO, thì Lý Sơn chính là di sản thế giới loại hình di sản hỗn hợp cả về thiên nhiên lẫn văn hóa”.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG