Lý Sơn không chỉ là huyện đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng mà nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà không nơi nào có được. Với những giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, phong tục truyền thống và một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, một nơi bảo tồn các loại sinh vật, khảo cổ dưới nước độc đáo. Lý Sơn liệu có thể đề nghị trở thành một di sản thế giới?
Từ bảo tàng sống động về di sản văn hóa…
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT&DL, một trong những người gắn bó và nghiên cứu khá nhiều về lịch sử, văn hóa của Lý Sơn thì Lý Sơn được ví như một bảo tàng sống động về di sản văn hóa.
Sở dĩ nói như vậy bởi Lý Sơn có một hệ thống di sản phi vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo. Một nền văn hóa thời tiền sử đã được phát hiện năm 2006 khi các nhà khảo cổ đã phát hiện được tại Giếng Tiền, thôn An Vĩnh một số công cụ sinh hoạt của người tiền sử thời đồ đá cũ cách đây 30 vạn năm. Không những vậy, các nhà khảo cổ còn phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh với những hiện vật nằm dưới lòng đất có niên đại cách đây từ 2.500-3.000 năm tại 2 địa điểm Xóm Ốc, xã An Vĩnh và Suối Chình, xã An Hải.
Lý Sơn còn hiện diện một nền văn hóa Chămpa với sự hiện hữu của di tích miếu Con Bà, thờ Bò, thần Nazin. Rồi ở giếng Xó La, còn gọi là giếng Vua với sự thiêng hoá, lịch sử hóa gắn liền với cuộc vượt biển lánh nạn của Nguyễn Ánh-Gia Long. Rồi di tích chùa Hang với các bệ đá mà người Chăm cổ thường dùng để dâng lễ vật tế các thần Bà La môn, rồi hàng chục dinh miếu thờ Thiên Y A Na, Bà chúa Giàng, bà chúa Ngọc, hay U Linh xà nữ.
|
Đảo Lý Sơn, ngoài vị trí quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng, còn có di sản văn hóa vô cùng phong phú.
|
Lý Sơn còn có di tích các tàu đắm ở đảo Lớn, đảo Bé mà ở đó còn chứa đựng những giá trị văn hóa thuộc nhiều niên đại khác nhau, và cũng chứng minh Lý Sơn mở cửa rất sớm, có thể từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chămpa.
Lý Sơn biểu tượng của nền văn hóa Việt với gần 30 di tích cổ xưa, trải dài 400 năm tính từ khi 15 ông tiền hiền từ vùng cửa biển Sa Kỳ ra lập nghiệp. Trong 400 năm ấy, Lý Sơn có những di tích gắn liền với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là đình An Vĩnh, đình làng An Hải- nơi các binh phu tế tự trước khi đi Hoàng Sa, Bắc Hải. Âm linh tự, nghĩa tự nơi phối thờ các hùng binh năm xưa.
Ngoài ra, Lý Sơn còn có các nhà thờ của tộc họ, từng là cai đội, chánh đội trưởng, chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa như nhà thờ họ Võ Văn, nhà thờ họ Phạm Quang và hàng trăm mộ chiêu hồn, vốn được các dòng họ nhờ pháp sư nặn hình nhân bằng đất sét, xương cốt là hom dâu, máu huyết là ngũ sắc, rồi được chôn xuống lòng đất với những lời khấn mời thống thiết để các hùng binh Hoàng Sa không may ngã xuống trong lòng biển cả mênh mông về nhập hồn vào huyệt mộ.
Lý Sơn có một hệ thống phi vật thể dày đặc với sự đa dạng và độc đáo thể hiện không chỉ ở hàng trăm di tích, đó là chưa kể hơn 30 ngôi nhà cổ… mà nó thể hiện một dòng chảy lịch sử-văn hóa nối tiếp không ngừng, từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại, không hề bị đứt gãy, vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
|
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia) trở thành một một nét văn hóa đặc sắc của người dân huyện đảo.
|
Lý Sơn còn có một di sản phi vật thể mà khó có nơi nào có được. Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ thì lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa là di sản phi vật thể độc đáo. Lễ tâm linh này của ngư dân Lý Sơn không giống bất cứ một nghi lễ nào trên thế giới, từ lễ vật hiến tế là mô hình 5 thuyền câu đi Hoàng Sa, các hình nhân thế mạng, đến việc thực hành nghi lễ có pháp sư, có hát bả trạo, múa gươm…
Bởi vậy, lễ không chỉ là sự cầu mong cho cuộc sống yên bình, hạnh phúc, được mùa mà còn là một sự trao truyền, bảo tồn văn hóa, cố kết cộng đồng và hơn nữa là sự tri ân vô bờ bến với các bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Ngoài ra, các lễ hội ở Lý Sơn như lễ đua thuyền tứ linh, nghi lễ xuống nghề, tục cúng đất, hội dồi bòng, vật võ… là di sản phi vật thể đặc sắc mà không giống bất cứ đâu trên thế giới.
… đến vẻ đẹp thiên đường
Lý Sơn còn được được mệnh danh là hòn đảo thiên đường bởi phong cảnh thiên nhiên hết sức kỳ thú và hùng vĩ mà thiên nhiên kiến tạo. Thứ nhất, Lý Sơn được hình thành từ những miệng núi lửa khổng lồ, hùng vĩ. Theo người dân trên đảo thì ở đây có 5 ngọn núi thiêng, gọi là ngũ linh gồm: Thới Lới, Hòn Tài, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Giếng Tiền. Đây là những miệng núi lửa đã nguội lạnh hàng chục triệu năm trước.
Trong 5 ngọn núi đó, Giếng Tiền và Thới Lới vẫn còn hiện diện 2 lòng chảo không lồ. Giếng Tiền có hình như một con rùa nghếch đầu về phía đông bắc. Hòn Thới Lới là núi lớn nhất trên đảo, lòng chảo có đường kính rộng hơn 1km. Trước đây, Thới Lới có thảm thực vật phong phú với những cây rừng to lớn cả vài người ôm như rừng Cây Minh, rừng cây Truông, rừng cây Nhợ, rừng cây Gạo, rừng cây Bà Bút và có cả dòng suối nước chảy róc rách… Tuy nhiên qua bao biến thiên và sự tàn phá của bàn tay con người, những cánh rừng đã không còn, dòng suối theo đó cũng đã khô cạn hàng chục năm trước.
Theo các nhà nghiên cứu thì Lý Sơn có một hệ thống hang động, cầu được tạo thành bởi dung nham núi lửa kỳ vỹ. Dưới chân núi Thới Lới về phía bắc hang Câu sừng sững vách dung nham cao hàng trăm mét. Không xa hang Câu là di tích chùa Hang- một trong những di tích Quốc gia trên đảo Lý Sơn. Phía bắc hang Câu là cổng Tò Vò, như một chiếc cầu đá vươn ra phía biển. Và bên kia đảo Bé là hang Kẻ Cướp được phủ bằng những dải dung nham ngoằn ngoèo cao hàng chục mét. Mới đây, thêm một cổng đá được phát hiện tương tự như cổng Tò Vò, nằm sâu dưới nước ở đảo Bé.
|
Lý Sơn còn giữ nguyên những rạn san hô và cỏ biển đặc trưng, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô xanh, san hô đen vẫn còn sinh sôi phát triển. |
Những những tạo hóa kỳ vỹ của thiên nhiên, Lý Sơn được xem là một khu bảo tồn biển với sự đa dạng hệ sinh thái, các loài thủy sinh phong phú. Dọc bờ biển có các rạn san hô và cỏ biển đặc trưng, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô xanh, san hô đen vẫn còn sinh sôi phát triển. Mới đây, các nhà khảo sát đã phát hiện trong vùng biển Lý Sơn có hàng ngàn loại động vật, thực vật bao gồm hàng trăm loài rong biển, san hô, cỏ biển và hàng trăm loài cá rạn.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ thì thiên nhiên đã ban tặng cho Lý Sơn một tài sản khổng lồ, hùng vĩ, thơ mộng, sống động suốt hàng triệu năm qua. Chính vì vậy, chúng ta có thể tính đến việc đề nghị Lý Sơn là di tích quốc gia đặc biệt và cao hơn là đề nghị sản thế giới. Dẫu biết rằng để có được danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt hay di sản thế giới thì còn rất nhiều điều phải làm. Song với những gì Lý Sơn đã có, chúng ta có quyền hy vọng!
Bài, ảnh: M.Toàn