Triển vọng trở thành công viên địa chất toàn cầu

Với hình dạng núi lửa đẹp mang tầm cỡ quốc tế, cùng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị… theo nhiều giáo sư, chuyên gia, khu vực Bình Châu – Lý Sơn và vùng phụ cận hội tụ đủ các yếu tố khoa học để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
 
Tiềm năng được đánh thức
 
Qua những hoạt động điều tra, khảo sát và lấy mẫu, phân tích trong ba năm trở lại đây, xét về địa chất, địa mạo và môi trường, các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước đều thống nhất cho rằng, Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận là khu vực núi lửa đẹp, có nhiều giá trị của Việt Nam và thế giới, đáp ứng được tiêu chí công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC).
 
PGS.TS Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, nhận định: “Xét về mặt địa chất, địa mạo và môi trường, khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận thể hiện rất rõ mối tương tác tự nhiên giữa núi lửa, biển và con người, với những di sản địa chất vô cùng phong phú và đa dạng, đánh dấu nhiều đợt chuyển biến của vỏ trái đất, quá trình tạo sơn, tạo biển cách đây hàng triệu năm về trước”.
 
 
Có thể nhận thấy, tại hang Câu, chùa Hang, Giếng Tiền (Lý Sơn) các vách kiến tạo được bào mòn cực kỳ ấn tượng, có ý nghĩa khoa học cao thể hiện rõ qua các lớp trầm tích núi lửa có niên đại lên tới hơn 10 triệu năm. Chúng gắn liền với sự hình thành, tách giãn Biển Đông của Đông Nam Á và nhiều chu kỳ thay đổi mực nước biển đại dương trong suốt thời gian đó. Còn miệng núi lửa Ba Làng An, dấu chân ông khổng lồ, An Hải sa bàn, Thạch Ky điếu tấu, Cổ Lũy cô thôn, cổng tò vò… ví như những tuyệt phẩm của tự nhiên được tạo thành từ sự tương tác giữa biển và núi lửa.
 
Khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận còn được xem là một bảo tàng thiên nhiên lớn về núi lửa biển, phân bố rất đa dạng các loại hình núi lửa như: núi lửa phun nổ (Thới Lới, Giếng Tiền, Giếng Sỏi), núi lửa phun khí (Hòn Tai), núi lửa phun trào (khu vực Tịnh Hòa, Bình Phú) với đa dạng các loại đất đá, tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau cùng các loại hình di sản địa mạo, cảnh quan sinh thái núi lửa.
 
Đến với Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận, chúng ta còn có thể tìm hiểu về một giai đoạn phát triển sống động của trái đất, gắn liền với tiến hóa văn minh của con người; các chu kỳ vận động của vỏ trái đất tới độ sâu 40 – 50 km, các đợt phun trào kế tiếp nhau từ lòng đất lên bề mặt, các đợt biển tiến vào và lùi khỏi lục địa; cùng công cuộc khai phá đầu tiên của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, một luồng thông thương sầm uất ở Biển Đông…
 
Về mặt văn hóa, khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận có nhiều di tích có giá trị vô cùng quan trọng trong việc thành lập hồ sơ CVĐCTC như: Thành cổ Châu Sa, Thu Xà, bờ lũy ven bờ biển Bình Châu, di tích Dinh Bà…
 
Kỳ vọng CVĐCTC thứ hai của cả nước
 
Khu vực Bình Châu – Lý Sơn và vùng phụ cận nếu được công nhận là CVĐCTC, Quảng Ngãi sẽ là tỉnh thứ hai trong cả nước có CVĐCTC, sau cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang).
 
CVĐCTC tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương bởi không ai khác mà chính người dân sẽ được hưởng lợi từ sự công nhận này. CVĐCTC sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị địa chất, văn hóa, lịch sử; có vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh biển đảo và của quốc gia… Thực tế, sau khi được công nhận vào năm 2010, lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng lên gấp nhiều lần.
 
Nếu biết cách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho cả giới nghiên cứu địa chất và khách du lịch trên thế giới. 
 
“Nếu biết cách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, nơi đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho cả giới nghiên cứu địa chất và khách du lịch trên thế giới. Núi Ấn -sông Trà và TP. Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm xuất phát du lịch cho Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận. Miền Trung Trung Bộ có thêm điểm nhấn quan trọng vào loại bậc nhất trong hành trình khám phá du lịch Việt Nam” – Ts. Nguyễn Ngọc Thu, Nguyên GĐ Trung tâm Địa vật lý – Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam, đặc biệt nhấn mạnh.
 
Trước những tiềm năng về địa chất, địa mạo, môi trường cũng như văn hóa, du lịch được “đánh thức” qua các đợt khảo sát thực địa, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Văn bản khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ để công nhận CVĐCTC khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận để trình UNESCO. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành, chuyên môn, các địa phương được khoanh vùng xây dựng kế hoạch triển khai việc thực hiện.
 
Trong quá trình thực hiện việc xây dựng hồ sơ, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Bộ VHTT&DL và Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Quảng Ngãi để hồ sơ sớm được trình Chính phủ và UNESCO, công nhận CVĐCTC đối với khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận. Đây được xem là một trong những khởi đầu thuận lợi để hồ sơ sớm được hoàn thiện theo đúng tiến độ, mở ra nhiều hướng đi và cơ hội cho du lịch Quảng Ngãi.
 
Các chuyên gia khảo sát thực tế tại Lý Sơn.
Kỳ vọng một CVĐCTC tầm cỡ tại Quảng Ngãi là hoàn toàn có sở khi khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận có nhiều lợi thế sẵn có về di sản thiên nhiên và văn hóa.
 
Ts. Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, hiện nay, với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở cũng đang hết sức khẩn trương phối hợp cùng với các đơn vị liên quan xác lập những căn cứ khoa học để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận là CVĐCTC.
 
“Cùng với đó, Sở tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ, ngành Trung ương, Viện nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế (dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng đầu tháng 4.2016), hội tụ những chuyên gia, giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, từng là thành viên UNESCO có nhiều kinh nghiệm đến khảo sát, hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng Hồ sơ CVĐCTC”, ông Vũ chia sẻ thêm.
 
Kỳ vọng một CVĐCTC tầm cỡ tại Quảng Ngãi là hoàn toàn có sở khi mà mảnh đất này có nhiều lợi thế sẵn có  về di sản thiên nhiên và văn hóa. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm cùng nỗ lực hết mình của tỉnh nhà trong việc bảo tồn và khai thác bền vững di sản “độc nhất vô nhị” này, khu vực Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận sẽ sớm được UNESCO công nhận là CTVĐCTC.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu